TP HCM: Lên kế hoạch 'phủ sóng' trạm sạc xe điện
Để chuẩn bị cho việc chuyển đổi hàng trăm nghìn xe xăng sang điện, TP HCM lên kế hoạch xây dựng hệ thống 19 trạm sạc lớn và 3.000 điểm sạc, đổi pin từ nội đô tới vùng ven.
Trong đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông đang được xây dựng, TP HCM đã hoàn tất giai đoạn đầu với việc xác định lộ trình và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt sang sử dụng năng lượng sạch. Mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ xe buýt trên địa bàn sẽ vận hành bằng điện hoặc nhiên liệu thân thiện môi trường.
Theo kế hoạch, trong 5 năm tới, thành phố sẽ thay thế hơn 3.300 xe buýt hiện chạy dầu diesel hoặc khí CNG bằng xe điện, bao gồm hơn 2.200 xe trên các tuyến buýt hiện hữu và hơn 1.100 xe cho tuyến mới.
Ngoài xe buýt, Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM - HIDS) đã hoàn thiện dự thảo chuyển đổi hơn 400.000 xe máy xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng. Khi số lượng xe điện tăng mạnh, nhu cầu về trạm sạc trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, hiện hạ tầng sạc tại TP HCM còn rất hạn chế, đặc biệt với xe buýt vốn đòi hỏi công suất lớn, chi phí đầu tư cao và cần quỹ đất rộng.
Hiện, hệ thống sạc cho buýt điện mới được triển khai bởi hai doanh nghiệp lớn là VinBus và Phương Trang - Futa Bus Lines. Trong khi đó, mạng lưới sạc công cộng cho ôtô, taxi và xe máy điện chủ yếu do doanh nghiệp tự đầu tư. Thành phố hiện có khoảng 600 điểm sạc xe máy điện của VinFast và 50 trạm đổi pin của Selex.
Để mở rộng hạ tầng, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng (Sở Xây dựng TP HCM) cho biết đang phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu đầu tư 19 trạm sạc lớn phục vụ xe buýt điện, tận dụng quỹ đất tại các bến bãi sẵn có. Các trạm này nhằm đáp ứng nhu cầu của gần 700 xe điện thuộc 47 tuyến buýt trợ giá, dự kiến vận hành đồng loạt từ năm 2027. Kinh phí đầu tư khoảng 400 tỷ đồng.

Lượng xe máy sử dụng xăng vào khu vực nội ô ngày càng lớn, đặc biệt là loại hình xe (dịch vụ) công nghệ - Photo Soha
Hà Nội: Sở Xây dựng Hà Nội hiện đang lấy ý kiến
HỖ TRỢ CHI PHÍ TRONG VIỆC MUA XE ĐIỆN
Một số chính sách nổi bật trong dự thảo bao gồm hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân đang sử dụng xe máy chạy xăng hoặc diesel (đăng ký trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực) tại các khu vực phát thải thấp, khi chuyển đổi sang phương tiện xanh có giá trị từ 15 triệu đồng trở lên.
Cụ thể, mức hỗ trợ là 3 triệu đồng/xe đối với cá nhân; 4 triệu đồng/xe đối với hộ cận nghèo; và 5 triệu đồng/xe đối với hộ nghèo. Mỗi cá nhân chỉ được hỗ trợ tối đa một xe đến hết năm 2030.
Ngoài ra, các đơn vị dịch vụ công ích, doanh nghiệp vận tải hành khách (trừ xe buýt), vận tải hàng hóa, và các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở thu hồi, tái chế xe cũ sẽ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi với lãi suất từ 3% đến 5%/năm, hạn mức vay tối đa bằng 100% giá trị hợp đồng và thời hạn vay tối đa 5 năm.
Dự thảo cũng đề xuất miễn hoàn toàn lệ phí trước bạ và lệ phí đăng ký biển số đối với phương tiện giao thông xanh từ thời điểm nghị quyết có hiệu lực đến hết năm 2030.
Đồng thời, thành phố sẽ từng bước triển khai lộ trình thí điểm và mở rộng vùng cấm đối với xe máy và ô tô cá nhân chạy bằng xăng/diesel. Từ ngày 1/1/2026 đến 30/6/2026, Hà Nội sẽ thí điểm hạn chế xe máy sử dụng xăng. Từ 1/7/2026, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ bị cấm trong khu vực Vành đai 1; mở rộng ra Vành đai 2 từ 1/1/2028. Tương tự, ô tô cá nhân chạy xăng/diesel sẽ bị hạn chế trong Vành đai 2 từ năm 2028 và trong Vành đai 3 từ năm 2030.
Giai đoạn từ năm 2035 đến 2050, thành phố sẽ từng bước hạn chế tất cả các loại xe cơ giới không phải phương tiện xanh (bao gồm cả xe CNG và hybrid) theo cấp độ, bắt đầu từ Vành đai 1 năm 2035, Vành đai 2 năm 2040, Vành đai 3 năm 2045 và toàn thành phố vào năm 2050.
Để tăng tính hiệu quả, thành phố cũng sẽ áp dụng các chính sách thu phí lưu thông và điều chỉnh tăng giá dịch vụ trông giữ đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm. Đồng thời, sẽ lắp đặt biển báo, ứng dụng công nghệ giám sát như camera phạt nguội, tăng cường tuần tra kiểm soát và áp dụng mức phạt hành chính cao hơn (tối đa không quá 2 lần mức xử phạt thông thường) đối với hành vi vi phạm quy định khí thải hoặc đi vào khu vực cấm.
ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRỤ SẠC TRÊN VỈA HÈ
Nhằm đáp ứng yêu cầu hạ tầng cho chuyển đổi phương tiện xanh, UBND Thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm 2026, ít nhất 10% chỗ đỗ xe tại các công trình hiện hữu phải được trang bị trụ sạc; con số này là 30% đối với các dự án mới. Ngoài ra, việc xây dựng trụ sạc trên vỉa hè sẽ được ưu tiên, đồng thời khuyến khích đầu tư trụ nạp hydrogen và các loại nhiên liệu sạch khác.
Các dự án đầu tư trạm sạc công cộng sẽ được hỗ trợ 70% lãi suất vay ngân hàng trong 5 năm đầu. Đối với các bến xe, bãi đỗ có từ 30% chỗ đỗ được trang bị trụ sạc, sẽ được hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng và miễn 100% tiền thuê đất trong 5 năm đầu.
Đáng chú ý, Hà Nội sẽ khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng giao thông năng lượng sạch theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Những nhà đầu tư này sẽ được ưu tiên giao đất tại các vị trí quy hoạch và được miễn 100% tiền thuê đất đến hết năm 2033.
Tổng hợp