Theo AM Best, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhận thọ được hãng này xếp hạng sẽ chịu tác động khiêm tốn từ tổn thất do bão số 3 (bão Yagi) gây ra do bảng cân đối kế toán và việc sử dụng tái bảo hiểm của những doanh nghiệp này rất mạnh…
Lực lượng chức năng cứu hộ, cứu nạn tại các địa điểm bị lũ, lụt.
Bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam vào ngày 7/9/2024, gây thiệt hại trên diện rộng cho miền Bắc Việt Nam. Đây là cơn bão mạnh nhất châu Á năm nay và là cơn bão tồi tệ nhất mà Việt Nam từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ - đã mang theo gió mạnh và lượng mưa lớn đến các khu công nghiệp và dân cư, gây thiệt hại lớn về tài sản, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là xung quanh khu vực tỉnh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận.
Bão Yagi dự kiến gây ra tổn thất kinh tế và tổn thất được bảo hiểm đáng kể do cường độ và quỹ đạo của nó qua Hải Phòng và các vùng ven biển gần Hà Nội. Là thành phố lớn thứ 3 tại Việt Nam, Hải Phòng là nơi có các khu công nghiệp, nơi có các nhà máy của các công ty đa quốc gia và trong nước lớn. Ngoài thiệt hại về tài sản đối với các tòa nhà và cơ sở hạ tầng, thiết bị và hàng tồn kho cũng bị phá hủy. Mưa lớn và lũ lụt cũng khiến đường sá và một cây cầu lớn dọc theo sông Hồng ở miền bắc Việt Nam bị sập (cầu Phong Châu, Phú Thọ - PV).
AM Best nhận định thiệt hại về tài sản, động cơ và tổn thất hàng hải dự kiến sẽ là những nguyên nhân chính gây ra tổn thất bảo hiểm do bão Yagi gây ra.
Mức độ đầy đủ của tổn thất vẫn đang được đánh giá. Tuy nhiên, mưa lớn liên tục có khả năng làm phức tạp các hoạt động phục hồi và làm gia tăng tổn thất.
Theo AM Best, tổn thất bảo hiểm do bão Yagi gây ra khiến lợi nhuận năm 2024 của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ
giảm mạnh so với kết quả kỷ lục được công bố năm 2023 nhưng tỷ lệ an toàn vốn của các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, các chuyên gia của AM Best cho rằng do tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm thấp ở Việt Nam, nên tổn thất được bảo hiểm có khả năng thấp hơn nhiều so với tổn thất kinh tế.
AM Best dự kiến các công ty bảo hiểm phi nhân thọ được hãng này xếp hạng tại Việt Nam gồm: PVI, Bảo Minh, Bảo hiểm BIDV (BIC), Fubon, Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Hà Nội (HanoiRe), Tổng công ty bảo hiểm xăng dầu (PJICO), Tổng công ty bảo hiểm bưu điện (PTI), Tổng Công Ty CP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare)… sẽ chịu tác động khiêm tốn từ tổn thất do bão Yagi gây ra do bảng cân đối kế toán và việc sử dụng tái bảo hiểm của những doanh nghiệp này rất mạnh.
Theo AM Best, rủi ro phát sinh từ bão thường được thị trường mô hình hóa tốt, vì trung bình có từ hai đến ba cơn bão đổ bộ vào Việt Nam mỗi năm. Các công ty chủ động mua các hạn mức tái bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro phát sinh từ các cơn bão nghiêm trọng và các thảm họa thiên nhiên khác.
AM Best đánh giá những doanh nghiệp được xếp hạng nói trên đều có lợi nhuận ổn định, được hỗ trợ bởi thu nhập đầu tư mạnh mẽ và tỷ lệ bồi thường hợp lý. Điều này đã giúp củng cố bộ đệm vốn, giúp các công ty bảo hiểm nhân thọ tăng khả năng hấp thụ rủi ro.
Theo VnEconomy